Theo chiến lược phát triển mũi nhọn công nghiệp lên phía Bắc tỉnh Bình Dương, hàng chục ngàn tỉ đồng đang được đổ vào đầu tư cho hệ thống hạ tầng của huyện Bàu Bàng. Đây sẽ là chất xúc tác giúp kinh tế Bàu Bàng tăng nhanh.
Hệ thống giao thông hiện đại đang là điểm sáng của Bàu Bàng.
Nâng cao năng lực kết nối hạ tầng
Những ngày cuối tháng 3-2021, tỉnh Bình Dương đang gấp rút chuẩn bị thông xe tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng. Sau khi thông xe tuyến đường dài 41,5 km này, các doanh nghiệp tại Bàu Bàng sẽ giảm được khoảng 30% thời gian và chi phí vận chuyển từ nhà máy xuống cầu cảng. Tương lai, tuyến huyết mạch này sẽ được kéo dài lên đến Chơn Thành (Bình Phước).
Cùng thời điểm, TPHCM và Bình Phước cũng đã thống nhất về chủ trương xây dựng tuyến cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Theo quy hoạch, tuyến cao tốc này dài 73 km, thiết kế 6-8 làn xe, vốn đầu tư khoảng 28.200 – 33.800 tỉ đồng.
Trong đó đoạn qua TPHCM dài khoảng 2 km kết nối vào đường Vành đai 2; đoạn đi qua tỉnh Bình Dương dài 60 km và tỉnh Bình Phước dài 11 km. Dự kiến dự án này còn kéo dài đến cửa khẩu Hoa Lư, kết nối với Campuchia. Đây là dự án quan trọng nhằm kết nối giao thông giữa Bình Phước, Bình Dương với TPHCM, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho cả khu vực.
Bàu Bàng là cửa ngõ giao thương quan trọng nối liền Bình Phước, các tỉnh Tây Nguyên với tỉnh Bình Dương và TPHCM. Những năm gần đây, Bàu Bàng đã được đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị mạnh mẽ với nhiều dự án đường vành đai, trục xuyên tâm đã hoàn thành, đưa Bàu Bàng thành một trung tâm kinh tế sáng giá của tỉnh Bình Dương.
Hiện nay, bên cạnh Quốc lộ 13 là trục giao thông xương sống, Bàu Bàng còn có các tuyến đường tỉnh quan trọng như ĐT741, ĐT741B, ĐT749A, ĐT749C, ĐT750. Việc bổ sung thêm các tuyến cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành và đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng – Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh hứa hẹn giúp Bàu Bàng phát huy tối đa tiềm lực phát triển.
Một khu dân cư khang trang, sầm uất ở khu vực trung tâm hành chính Bàu Bàng.
Những năm vừa qua, Bàu Bàng đã đầu tư hơn 7.300 tỉ đồng để xây dựng nông thôn mới, từ đó thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, thu hút FDI. Đến nay, các KCN tại Bàu Bàng đã thu hút 1.153 dự án, trong đó đầu tư trong nước là 954 dự án với tổng số vốn 31.149 tỉ đồng, đầu tư nước ngoài là 199 dự án với tổng số vốn hơn 3,5 tỉ USD.
Năm 2021, Bàu Bàng tiếp tục phân bổ nguồn vốn lớn cho các dự án cải thiện hạ tầng giao thông, gắn với phát triển công nghiệp – dịch vụ – đô thị. Các dự án được ưu tiên thực hiện gồm đường vành đai KCN Bàu Bàng (đường ĐT749A), đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, đường tạo lực Bến Cát – Bàu Bàng…
Thời cơ phát triển bất động sản
Với quy mô khoảng 1.000 ha, KCN Bàu Bàng hiện đang trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của Bình Dương. Cùng với đó là dự án Khu công nghiệp Khoa học công nghệ cao Bàu Bàng đang mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho địa phương. Chưa kể các KCN Cây Trường 700 ha, khu công nghiệp Lai Hưng 600 ha cũng đang xúc tiến đầu tư.
Như trên đã đề cập, hàng loạt tuyến đường liên kết vùng với khu công nghiệp này đã và đang được đầu tư đồng bộ, hướng tới các cảng sông, cảng biển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo ra chuỗi cung ứng logistics liên thông trong xuất nhập khẩu hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh cho Bàu Bàng.
Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016-2020 của Bàu Bàng đạt bình quân 18%; giai đoạn 2021-2025 dự kiến đạt 22%/năm. Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân 24%; giai đoạn 2021-2025 dự kiến đạt 26,5%/năm.
Tốc độ tăng dân số bình quân đạt 9,15%/năm giai đoạn 2016-2020 và dự kiến đạt 9%/năm giai đoạn 2021-2025.
Nhà máy lớn của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Bàu Bàng.
Theo quy hoạch đến năm 2030, Bàu Bàng bố trí quỹ đất dịch vụ logistics khoảng 294,69 ha, là nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa của KCN Bàu Bàng. Bàu Bàng không dùng 100% quỹ đất để xây dựng nhà xưởng như những khu công nghiệp cũ của Bình Dương. Thay vào đó, chủ đầu tư chỉ dành đến 50% diện tích để xây dựng khu đô thị.
Nổi bật trong số đó là khu đô thị – công nghiệp Bàu Bàng. Dự kiến, từ nay đến năm 2030, khu đô thị này sẽ có dân số khoảng 120.000 người. Điều này đòi hỏi phải tập trung phát triển các dự án dân cư chất lượng, hạ tầng kinh tế – xã hội hiện đại.
Thực tế, hiện nay một số khu đô thị mới đầy đủ hạ tầng cũng đã được phát triển, thu hút đông đảo cư dân đến sinh sống. Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021 – 2025 quá lớn, đòi hỏi Bàu Bàng nỗ lực khuyến khích các doanh nghiệp tăng tốc đầu tư dự án mới, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung khi lực lượng chuyên gia, kỹ sư đổ về làm việc ngày càng đông.
Đó sẽ là cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản.