UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận khẳng định tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với chiều dài 51km sẽ hoàn chỉnh và phục vụ người dân lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Tự tin hoàn thiện toàn bộ dự án trước Tết Nguyên đán
Ngày 25.12, được sự đồng ý của Ban điều hành dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, PV Báo Thanh Niên tự điều khiển xe ô tô trên toàn tuyến dài hơn 51 km của Dự án này từ nút giao Thân Cửu Nghĩa, H.Châu Thành (Tiền Giang) đến nút giao An Thái Trung, H.Cái Bè (Tiền Giang), đoạn nối vào QL30 của tỉnh Đồng Tháp. Trong đó, khoảng 8 km đoạn qua địa bàn TX.Cai Lậy (Tiền Giang) đang vừa dỡ tải vừa thảm nhựa.
Ông Cao Văn Hòa, Phó giám đốc Ban điều hành Dự án, cho biết lẽ ra đoạn này cũng đã hoàn thiện bê tông nhựa, nhưng vì nền đất yếu, phải theo dõi sụt lún nên đến nay mới dỡ tải được. “Dỡ tải rồi thì trong vòng 10 ngày sẽ thi công hoàn thiện bê tông nhựa trên mặt đường này và khi đó toàn bộ tuyến chính dài hơn 51 km sẽ hoàn thành bê tông nhựa đúng tiêu chuẩn thiết kế của mặt đường cao tốc”, ông Hòa nói.
Thực địa toàn tuyến, PV Báo Thanh Niên ghi nhận có nhiều tốp công nhân, tổng cộng khoảng 1.000 người, đang làm con lươn, taluy, đèn chiếu sáng… Khẩn trương nhất phải kể đến lực lượng đang thực hiện thi công truyến đường dân sinh (công vụ) dọc cao tốc và các cầu vượt ngang tuyến cao tốc.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, hướng từ Cái Bè về cao tốc TP.HCM – Trung Lương
Theo ông Cao Văn Hòa, toàn tuyến chính của cao tốc xem như đã cơ bản và doanh nghiệp dự án tự tin sẽ hoàn thiện toàn bộ dự án trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Hiện, Ban điều hành Dự án đang yêu cầu các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện 87 km đường dân sinh (công vụ) và 10 cầu vượt ngang đường cao tốc. Khoảng 50% khối lượng của phần cuối cùng này đã hoàn thành.
“Năm 2009, khi dự án khởi công, người ta mang cát đổ theo tuyến đường khiến chúng tôi lâm cảnh mùa mưa ngập úng do không thoát nước ra ngoài kênh được, mùa nắng thì chẳng những không dẫn nước vào nội đồng được mà chịu trận với cát bay tứ tung mỗi khí trời trở gió. Tháng 4.2019, khi dự án khởi động lại thì không lâu sau đó, đơn vị thi công đã đặt rất nhiều cống tròn, cống hộp dưới mặt đường đã giải phóng đáng kể sự khó khăn cho người dân chúng tôi. Nay dự án sắp xong rồi. Tôi thực sự rất phấn khởi”, ông Bùi Văn Trường, nhà ở TX.Cai Lậy, cho hay.
Hơn 44 km tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã hoàn thành kết cấu theo thiết kế của dự án.
Tài xế Nguyễn Văn Nam, quê Vĩnh Long, thì nói rằng: “Tết mà được chạy cao tốc thì còn gì bằng. Nói thiệt là tôi ngán ngẫm dịp tết năm nào cũng ôm vô lăng bò trên QL1 trong khi nông sản phía sau thùng xe hư hao không kể xiết”
“Chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ với nhân dân”
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực ĐBSCL với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án được khởi công từ năm 2009 với quy mô chiều dài toàn tuyến 51,1 km. Tuy nhiên, việc triển khai chậm tiến độ do nhiều khó khăn vướng mắc mà hồ sơ thiết kế và các nhà thầu…không thể nào tự “giải cứu” được.
UBND tỉnh Tiền Giang đã quyết định bổ sung thêm 5 cầu vượt và nhiều công trình phụ vào dự án để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu dân sinh xung quanh cao tốc này.
Tháng 3.2019, theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang thay thế Bộ GTVT làm đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Liên danh các nhà đầu tư đã mời Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành toàn bộ dự án này.
Nhận nhiệm vụ nặng nề, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang khi đó là ông Lê Văn Hưởng cùng với thuộc cấp xắn tay vào việc và thống nhất bổ sung vào dự án thêm 45 km đường dân sinh (tổng 87 km) dọc theo cao tốc và 5 cầu vượt (tổng 10 cầu). Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp dự án phải đặt trên toàn tuyến 62 cống tròn và 71 cống hộp để đảm bảo việc tưới tiêu, thoát nước phục vụ cho đời sống, kinh tế của người dân vùng dự án.
Trong khi dỡ tải khoảng 8 km mặt đường còn lại, đơn vị thi công đã làm ca đêm đẩy nhanh tiến độ dự án.
“Các cống thoát nước được yêu cầu làm ngay vì hơn 10 năm rồi dân ở đây bị dự án làm bí bách dữ lắm.Tất cả 3.292 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án này đã được đền bù, hỗ trợ thỏa đáng và chưa ghi nhận có bất cứ phản ánh nào liên quan dự án nữa”, bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang (đại diện UBND tỉnh Tiền Giang quản lý dự án), cho biết.
Một số hạng mục trong kết cấu mặt cầu đường trên tuyến chính chuẩn bị hoàn thành.
Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với điểm đầu là nút giao cao tốc tại xã Thân Cửu Nghĩa, H.Châu Thành và điểm cuối là nút giao QL30, H.Cái Bè (nối tỉnh Đồng Tháp). Sau 10 năm đình trệ, đến tháng 3.2019, tiến độ chỉ đạt 10% khối lượng. Tổng vốn dự án được điều chỉnh lần cuối là 12.228 tỉ đồng với việc bổ sung nhiều hạng mục công trình phụ với mục đích phục vụ chủ yếu là dân sinh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong đó vốn ngân sách nhà nước tham gia là 2.186 tỉ đồng.
Cầu vượt và đường dân sinh đang được khẩn trương hoàn thành để trả lại giao thông thông suốt cho người dân địa phương khi dự án đưa vào sử dụng dịp Tết.
“Phương châm của chúng tôi là “chậm một ngày thêm một ngày mặc nợ nhân dân” nên dù dịch bệnh, vật giá…khó khăn cũng động viên nhau làm liên tục ngày đêm. Hiện, trên 90% khối lượng toàn dự án đã hoàn thành. Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hoàn toàn có thể kết nối trực tiếp với cao tốc TP.HCM – Trung Lương phục vụ cho người dân trong dịp Tết Nhâm Dần năm 2022. Mặc dù, các vướng mắc về vị trí đặt trạm thu phí BOT vẫn đang trong quá trình bàn bạc để thống nhất giữa nhà đầu tư và nhà nước”, ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, cho biết.