Những tác động của dịch bệnh đã khiến nhiều người có vốn nhàn rỗi chọn bất động sản như một kênh đầu tư an toàn và lâu dài.
Nhiều người lựa chọn bất động sản là kênh đầu tư an toàn và bền vững.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng thị trường vẫn nhộn nhịp ngay từ đầu năm 2022. Các giao dịch bất động sản vẫn khá sôi động.
Theo ông Đính, nhiều nhà đầu tư “tay ngang” đã tham gia vào thị trường bất động sản sau khi rút nhiều dòng vốn từ các kênh khác.
Ông Đính dự báo thị trường năm nay sẽ phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, lạm phát sẽ đẩy giá bất động sản tăng lên. Vì vậy, theo ông cần tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục pháp lý để giúp doanh nghiệp bất động sản dễ dàng phát triển hơn trong năm 2022.
PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật, cũng đồng quan điểm, cho rằng sự thiếu đồng bộ, chưa cập nhật và thay đổi của các quy định phù hợp với thực tiễn của thị trường trong Luật kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư… cùng một số nghị định, văn bản chuyên ngành có liên quan gây khó khăn cho công tác thực thi Chiến lược Phát triển nhà ở Quốc gia, nhất là việc cơ cấu lại nguồn cung, tập trung vào phát triển các phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp phục vụ nhu cầu của số đông.
Bên cạnh đó, câu chuyện định danh các bất động sản mới, ví dụ như bất động sản du lịch cũng được vị này nhắc đến.
“Nhiều người đầu tư condotel vướng mắc về pháp lý. Khi quy định sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận cho bất động sản du lịch chưa rõ ràng thì các địa phương cũng trở nên lúng túng. Với các doanh nghiệp khi kinh doanh phân khúc bất động sản như condotel, shophouse cũng lúng túng theo”, ông Tuyến cho biết.
Theo đó, để nâng cao hiệu quả của quản lý Nhà nước về kinh doanh bất động sản nói chung, cần tích cực rà soát, sửa đổi bổ sung các các quy định có liên quan của Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014 và Luật kinh doanh bất động sản 2014.
Ngoài ra, ông Tuyến cũng cho rằng cần tạo hành lang pháp lý về chuyển đổi số để đảm bảo bí mật thông tin của khách hàng, và triển khai đồng bộ, toàn diện.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng đà phục hồi của kinh tế toàn cầu tương đối nhanh, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ.
“Rủi ro, thách thức chính là đại dịch Covid-19, còn địa chính trị phức tạp nhất là chiến sự Nga – Ukraine khiến giá dầu, giá vàng, chứng khoán… biến động mạnh và khó đoán hơn. Giá cả, lạm phát sẽ còn tăng; lợi nhuận của các doanh nghiệp bị thu hẹp”, ông Lực nói.
Bàn về giải pháp để thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trong giai đoạn tới, ông Lực cho rằng các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, tăng năng suất, sử dụng mô hình 5Rs (Respond: Thích ứng, linh hoạt; Recover: Phục hồi càng nhanh càng tốt; Restructure: Tái cấu trúc; Re-invent: Đổi mới, sáng tạo (gồm cả chuyển đổi số); Resilience: Tăng sức đề kháng (khả năng chống chịu các cú sốc, gồm cả quản lý rủi ro).
Nói thêm về một số vướng mắc pháp lý, ông Hà Tuấn Khang, Giám đốc Trung tâm Công nghệ – Marketing của Tập đoàn Meey Land, cho rằng cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường hiện còn chậm.
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản đang có những chồng chéo, chưa thống nhất, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản.
Do đó, theo ông Khang, ngoài việc tăng cường ứng dụng số, để tạo lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp cần đưa ra những giải pháp kích cầu bất động sản đột phá trong bối cảnh nguồn thu của khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Theo đó, các giải pháp phải giúp người mua nhà và doanh nghiệp phát triển bất động sản gặp nhau.